HƠ NGẢI CỨU TRONG PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN BÙI QUỐC CHÂU
Ngải cứu là một loại thảo dược quý trong y học cổ truyền, nổi bật với nhiều tác dụng trị liệu. Ngải cứu không chỉ được dùng làm thuốc mà còn là nguyên liệu quan trọng trong các phương pháp trị liệu tự nhiên như Diện Chẩn và châm cứu.
1. Dưới đây là những tác dụng trị liệu chính của kỹ thuật Hơ ngải cứu:
1.1. Cải thiện tuần hoàn máu
– Điếu ngải cứu có tính ấm nóng, giúp giãn cơ giãn mạch, kích thích lưu thông máu, đặc biệt hiệu quả trong điều trị đ.a.u bụng kinh, đ.a.u nhức cơ thể do khí huyết ứ trệ.
– Hơ ngải cứu trên các huyệt đạo hoặc vùng đ.a.u nhức có thể giảm đ.a.u và làm ấm cơ thể, giúp cải thiện tình trạng lạnh tay chân, lạnh bụng
1.2. Giảm đ.a.u và chống viêm
– Điếu ngải cứu tỏa nhiệt gần giống sóng hồng ngoại, khi hơ sẽ khuếch tán tinh dầu thẩm thấu nhiệt sâu vào trong cơ, tinh dầu ngải cứu chứa các hợp chất có tác dụng giảm viêm và giảm đ.a.u tự nhiên.
– Hơ ngải cứu thường được dùng để làm dịu các triệu chứng đ.a.u lưng, đ.a.u khớp, hoặc đ.a.u cơ do thời tiết lạnh.
1.3. Cân bằng năng lượng cơ thể
– Ngải cứu được sử dụng để điều hòa khí huyết, giúp cơ thể cân bằng và giảm căng thẳng. Đặc biệt khi hơ ngải cứu đối với trường hợp cơ địa hàn lạnh sẽ giúp trục hàn làm cơ thể ấm lên và cân bằng năng lượng.
1.4. Tăng cường hệ miễn dịch
– Hơ ngải cứu không chỉ làm ấm cơ thể mà còn giúp kháng khuẩn, sát khuẩn, hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh đường hô hấp. Khí huyết lưu thông tốt sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và cơ thể khỏe mạnh hơn.
2. Ứng dụng hơ ngải cứu trong phương pháp trị liệu bằng Diện Chẩn
Trong Diện Chẩn, ngải cứu thường được dùng để hơ tại chỗ đau hoặc các vị trí đồng ứng, phản chiếu giúp kích thích khả năng tự chữa lành của cơ thể. Chúng ta cùng tìm hiểu các cách ứng dụng kỹ thuật hơ ngải cứu sau:
2.1. Hơ tại chỗ bị bệnh:
– Kỹ thuật này thường dùng trong trường hợp đau nhức cơ xương khớp, hơi nóng do nhiệt tỏa ra cùng với tinh dầu ngải cứu sẽ thẩm thấu vào mô cơ, giúp giải tỏa tắc nghẽn, lưu thông khí huyết, làm giãn mềm cơ, làm giảm đau và chống viêm. Đây là một bước căn bản trong bài chữa Zona thần kinh bằng Diện Chẩn
Có thể hơ ngải cứu độc lập, hoặc kết hợp với một số dụng cụ để tăng hiệu quả, ví dụ như vừa hơ vừa gạch bằng Que Dò, lăn bằng dụng cụ Lăn, đẩy bằng cây Xương Cá, gõ bằng Búa Lớn hoặc xâm bằng Cây Giọt Mưa. Không nhưng tăng hiệu quả mà kỹ thuật phối hợp này còn giúp người bệnh thoải mái dễ chịu hơn.
Tuy nhiên người thực hiện cần lưu ý, phối hợp khéo léo giữa thủ pháp hơ ngải và các dụng cụ khác để tạo được cảm giác thoải mái nhất và không gây bỏng người bệnh. Để thực hiện đúng kỹ thuật: ta cần cầm điếu ngải trong 3 ngón tay như cầm bút, và luôn dùng ngón út tỳ lên da người bệnh để làm cữ, sau đó thay đổi khoảng cách phù hợp để người bệnh cảm nhận hơi ấm nóng dễ chịu mà không bỏng rát. Khi đặt đúng khoảng cách, bắt đầu dùng dụng cụ tác động và hỏi cảm nhận của người bệnh.
Lưu ý:
– Không làm dụng hơ lâu trong nhiều ngày, có thể khiến người bệnh bị khô khớp, nóng người, táo bón; và
– Nên uống nước trước mỗi lần hơ ngải để tránh bị khô dịch.
– Không hơ đối với trường hợp vết thương đang bị viêm, sưng tấy, nóng đỏ.
– Khi thời tiết lạnh, nếu hơ tại vùng lưng cần hơ ấm nóng nhanh để tránh tình trạng cơ thể người bệnh bị nhiễm lạnh.
– Sau khi hơ nên tránh ra gió, tránh tiếp xúc với nước ít nhất 30 phút để tránh bị nhiễm lạnh, trúng gió.
2.2. Hơ ngải để dò tìm và xử lý Sinh Huyệt
– Đây là kỹ thuật đặc trưng và riêng có trong phương pháp Diện Chẩn Bùi Quốc Châu. Qua quá trình nghiên cứu và đúc kết trên hàng ngàn người bệnh khi GS Bùi Quốc Châu làm công tác trị liệu cho bệnh nhân trong trường Cai nghiện ma túy Fatima Bình Triệu, Thủ Đức từ những năm 1976, Thầy đã đưa ra Lý Thuyết về Sinh Huyệt: đó là những điểm bất thường, hay còn được coi là những dấu hiệu báo bệnh, xuất hiện trên da khi cơ thể có bệnh.
Sự bất thường này thể hiện ở nhiều hình thái: có thể nhìn thấy bằng mắt thường và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trong hình thái không nhìn thấy bằng mắt thường sẽ cần những kỹ thuật chuyên dụng để dò tìm, và Hơ ngải cứu là một trong các kỹ thuật để dò tìm những dấu hiệu báo bệnh đó.
Trong Diện Chẩn thì việc tìm và xử lý những điểm bất thường đó rất quan trọng, sẽ giúp giải tỏa tắc nghẽn giúp cơ thể tự chữa lành.
Cách hơ ngải để dò tìm và xử lý Sinh Huyệt như sau:
– Cầm điếu ngải bằng 3 ngón tay như cầm bút, và dùng ngón út tỳ lên da người bệnh để làm cữ, sẽ giúp việc hơ ngải được an toàn và chính xác hơn
– Để mồi ngải cách da khoảng 1 cm, sau đó di chuyển mồi ngải rất chậm (rà) trên bề mặt da và để ý nếu thấy điểm nào làm người bệnh phản xạ mạnh (ví dụ giật tay lại, né mặt… giống như cảm giác bị bỏng, cảm giác hút nóng mạnh vào 1 điểm) thì đó là điểm cần tìm. Để an toàn, ta bôi chút dầu cao, hoặc vaseline vào điểm vừa hút nóng, rồi đưa điếu ngải ra xa khoảng 2 cm rồi đưa lại gần, lặp lại 3 lần như vâỵ là đủ liều lượng.
Lưu ý:
– Nếu không có cảm giác nóng rát giống bị bỏng, hoặc nóng buốt sâu vào trong thịt thì đó không phải là huyệt cần hơ
– Mỗi huyệt chỉ nên đưa vào 3 lần để tránh bị quá nhiệt gây bỏng rộp da. Và mỗi ngày chỉ nên hơ 1 lần vào 1 huyệt để đỡ bị khô tại vị trí hơ.
– Đối với trường hợp da mỏng và không quen với sức nóng thì cần hơ ít hơn. Nếu mới tập thực hành thì không nên hơ trên mặt để đỡ nguy hiểm cho người bệnh mà nên hơ ở vị trí an toàn hơn ví dụ trên tay, trên cổ gáy lưng…
Chúc Quý vị đạt hiệu quả cao khi thực hành.