“NGỌC DỊCH” – NƯỚC BỌT VÀ TẦM QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI CƠ THỂ
Nước bọt, hay còn gọi là dịch miệng, là chất lỏng được tiết ra bởi các tuyến nước bọt trong khoang miệng. Có thể một số người không để ý đến điều tưởng chừng rất nhỏ này, nhưng nước bọt lại đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe toàn diện của chúng ta. Hãy cùng tìm hiểu một chút về tầm quan trọng của nước bọt, để hiểu vì sao chất lỏng đặc biệt này lại được gọi là “Ngọc Dịch” nhé.
Thành phần của nước bọt
Nước bọt được sản xuất bởi các tuyến nước bọt trong khoang miệng, thông qua một quá trình sinh học phức tạp, bao gồm các giai đoạn kích thích, bài tiết và điều chỉnh.
Con người có ba cặp tuyến nước bọt lớn, mỗi tuyến sản xuất nước bọt với thành phần và vai trò khác nhau:
Tuyến mang tai: Sản xuất chủ yếu nước bọt dạng lỏng, chứa enzyme amylase để tiêu hóa tinh bột.
Tuyến dưới hàm: Cung cấp phần lớn nước bọt (khoảng 60-70%), chứa cả enzyme và chất nhầy.
Tuyến dưới lưỡi: Sản xuất nước bọt nhầy, giúp làm ẩm và bôi trơn khoang miệng.
Ngoài ra, còn có hàng trăm tuyến nước bọt nhỏ nằm rải rác trên niêm mạc miệng, môi và lưỡi.
Thành phần của nước bọt gồm chủ yếu là nước (99%), còn lại là:
Enzyme: Amylase, lipase giúp tiêu hóa thức ăn.
Chất nhầy: Bôi trơn miệng, bảo vệ niêm mạc.
Điện giải: Natri, kali, canxi, phosphate cân bằng pH và bảo vệ răng.
Protein miễn dịch: IgA, lysozyme giúp ngăn chặn vi khuẩn, virus.
Tác dụng của nước bọt đối với cơ thể
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tạo Hóa đặt các tuyến nước bọt nằm ở ngay “tuyến đầu” của hệ tiêu hóa, nơi bắt đầu quá trình nhai nghiền để thức ăn được chuyển hóa một phần và chuẩn bị cho những bước tiêu hóa tiếp theo. Nước bọt sẽ có 7 tính năng quan trọng như sau:
1. Hỗ trợ tiêu hóa
Làm mềm thức ăn: Nước bọt giúp thức ăn mềm hơn, dễ nhai và nuốt.
Bắt đầu quá trình tiêu hóa: Enzyme amylase trong nước bọt giúp phân giải tinh bột thành đường đơn, hỗ trợ tiêu hóa ngay từ miệng. Đây có thể là lý do thú vị lý giải vì sao một số trẻ nhỏ hay ngậm cơm trong miệng, phải chăng chúng thích “nhâm nhi” vị ngọt thanh của đường do tinh bột chuyển hóa thành. Và rõ ràng là khi ta càng nhai kỹ thức ăn sẽ càng cảm thấy ngon miệng và rất tốt cho tiêu hóa. Điều này những ai ăn theo thực dưỡng biết rất rõ.
2. Bảo vệ răng miệng
Cân bằng pH: Nước bọt giúp trung hòa axit trong miệng, ngăn ngừa sâu răng.
Kháng khuẩn: Chứa các protein và enzyme kháng khuẩn giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại, bảo vệ răng và nướu.
Tái khoáng hóa: Cung cấp khoáng chất như canxi và phosphate để phục hồi men răng bị mòn.
3. Duy trì độ ẩm
Nước bọt giúp giữ ẩm miệng, ngăn ngừa khô miệng, đau rát và khó chịu khi nói hoặc nuốt.
4. Bảo vệ niêm mạc miệng
Làm sạch miệng: Nước bọt loại bỏ các mảnh thức ăn, vi khuẩn, và các chất gây kích ứng, bảo vệ lớp niêm mạc miệng.
5. Hỗ trợ vị giác
Nước bọt hòa tan các phân tử thức ăn, giúp kích hoạt các tế bào vị giác, giúp bạn cảm nhận được hương vị.
6. Vai trò miễn dịch
Nước bọt chứa các yếu tố miễn dịch như immunoglobulin A (IgA), giúp bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, virus xâm nhập qua đường miệng.
7. Hỗ trợ phục hồi vết thương
Các protein trong nước bọt có khả năng thúc đẩy lành vết thương trong miệng, họng và thực quản nhanh hơn. Rất tốt cho những người bị viêm họng hạt, trào ngược dạ dày thực quản, nhiệt miệng…
Tác hại nếu cơ thể không tiết đủ nước bọt
Nhiều người bị tình trạng không tiết được nước bọt, làm khô miệng và gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến một số hậu quả như:
– Mất cảm giác ngon miệng
– Tiêu hóa kém
– Tăng nguy cơ sâu răng, viêm lợi, viêm chân răng, hôi miệng
– Khô họng, dễ viêm họng, viêm dây thanh quản, khản tiếng…
Không những vậy, khi khả năng tiết nước bọt kém đi thì có thể sẽ gặp vấn đề về rối loạn quá trình sản sinh tân dịch (là các loại dịch khớp, dịch đường ruột, dịch âm đạo, mồ hôi…), sẽ có những hiện tượng kèm theo như: khô da, tóc khô và xơ xác, khớp xương bị cứng mỏi do bị thiếu dịch bôi trơn, táo bón, phụ nữ bị khô âm đạo gây viêm phụ khoa…
Nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần thăm khám ngay để xử lý kịp thời, tránh tình trạng cơ thể bị thiếu dịch gây những hậu quả nghiêm trọng về sau.
Cách tác động giúp làm tăng tiết nước bọt đối với những người bị khô miệng, không hoặc ít tiết nước bọt:
- Gạch 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết từ 2-3 lần/ngày. Kỹ thuật này Quý vị có thể xem tại https://dienchanvietmassage.com/6-vung-phan-chieu-he-bach-huyet-dien-chan/
- Tác động vào vị trí tuyến nước bọt mang tai (tuyến lớn nhất và dễ tác động nhất): dùng đầu ngón tay day hoặc gõ tại chỗ, hoặc dùng búa Diện Chẩn, lăn đinh inox…
- Gõ răng: kích thích vào tuyến nước bọt dưới hàm, đảo lưỡi: kích thích vào tuyến nước bọt dưới lưỡi. Dùng đầu ngón tay Day nhẹ nhàng vị trí dưới hàm
- Uống đủ nước mỗi ngày: khi uống nước cần chú ý: uống từng ngụm nhỏ, súc miệng vài lần trước khi nuốt. Khi ăn tập trung nhai kỹ để kích thích nước bọt tiết ra. Có thể nhai kẹo cao su không đường hàng ngày để tạo cảm giác kích thích tiết nước bọt.
Mến chúc Quý Vị luôn mạnh khỏe hạnh phúc và bình an.